Chuyện mạng méo thời nay: Máy vi tính
Chuyện một ông quan ở tỉnh nọ bảo có 5 triệu lượt người vào mạng guk gồ chấm Tiên Lãng làm dân tình bàn tán xôn xao, đúng là cười chết thôi.
ảnh minh họa
Từ ngày có internet, mạng méo thật lắm chuyện buồn cười. Dốt mấy chuyện mạng méo không có gì phải xấu hổ cả. Không biết gọi là dốt, thế thôi, có gì đâu mà xấu hổ. Để xóa dốt nhiều khi chỉ mất dăm bảy phút, nhưng nhiều kẻ quen thói giấu dốt không dám mở miệng hỏi người ta một câu. Thói ăn trên ngồi trốc, lên mặt dạy dỗ thiên hạ quen rồi, chịu khó làm học trò người ta năm bảy phút để người ta bày cho là chuyện không thể, các ông xấu hổ lắm.
Vì thế mới xảy ra lắm chuyện bi hài, để từ từ mình sẽ kể hết.
Nếu mình nhớ không nhầm, máy tính vào nước ta vào khoảng những năm 1980, còn internet thì hình như vào năm 1998 thì phải, trước đó thì ai nấy mù tịt. Mình vốn là kỹ sư vô tuyến cũng chẳng biết cái máy vi tính méo hay tròn.
Những năm bảy mươi, thời mình học Bách khoa, cả trường chỉ có một máy tính, gọi là máy điện toán Minxcơ 2, choán cả một phòng thí nghiệm mấy chục mét vuông. Muốn tính toán phải số hóa, phải đục lỗ rất phức tạp, không phải dân đại học không làm được. Nghe nói cả miền Bắc khi đó chỉ có hai cái máy điện toán như thế, một của trường Bách khoa, một của Ủy ban KHKT quốc gia.
Thời đó tụi mình vênh vang lắm, chỉ có dân Bách khoa mới biết máy điện toán thôi nhé. Bữa nào được vào phòng thí nghiệm tiếp xúc với máy điện toán, cầm chắc mười thằng thì cả chục thằng chạy đi khoe. Vào nhà ăn, đi quán nước, ngồi với nhau giả đò to tiếng cãi nhau về cấu trúc, lập trình, rồi chạy thử loạn cả lên. Dân đại học các trường khác cứ nhìn tụi mình mắt tròn mắt dẹt. Có thằng vờ đến trễ hẹn với người yêu (cũng là dân đại học trường khác) chạy bộ đến thở hổn hển, nói anh xin lỗi, chiều nay anh làm việc với máy điện toán, gặp mấy cái lỗi phải xử lý… Hi hi, xử lý cái mốc xơ, được các thầy cho vào sờ mó ngắm nghía đã phúc lắm rồi.
Thế mà chỉ không đầy chục năm sau, những năm tám mươi, máy tính (cái máy điện toán ấy) đã tràn ngập thị trường, chúng nhỏ hơn bàn tay, ai ai cũng dùng được, trẻ con học lớp một đã dùng được rồi, thật quá ngạc nhiên. Thời mình học, bóng đèn điện tử cái nào cái nấy to bằng ngón chân cái, bây giờ người ta xử lý bằng mạch vi, cả một thế giới điện tử bỗng nhiên thu nhỏ cả trăm lần, nghìn lần, trăm nghìn lần. Đến lúc này những thứ mình được học cách đó ít lâu bỗng quá lỗi thời. Thật không thể tin nổi.
Đến những năm 1988-1989, máy vi tính đổ bộ vào Việt Nam, lúc đầu dè dặt dăm bảy bộ, dăm bảy chục bộ, chỉ những cơ quan sang trọng, quan trọng mới có máy vi tính, đa số dân như tụi mình thì máy vi tính như là chuyện trên trời, ai ngó được cái máy tính thì khoe khắp làng, giống bác Lê Lựu được đi Mỹ một lần, về nước đi nói chuyện cả trăm buổi, hi hi.
Có thằng bạn học cùng K20 vô tuyến được đi tham quan máy vi tính, nó kéo mình ra quán nước, mặt mày nghiêm trọng, thì thà thì thầm kể chuyện nó được mục sở thị dàn vi tính thế nào. Nó bảo máy vi tính đặt một phòng riêng gạch men sáng bóng, sạch sẽ tinh tươm, có điều hòa nhiệt độ. Phòng bộ trưởng có thể không có điều hòa nhưng máy vi tính thì dứt khoát phải có. Người làm việc ở phòng vi tính phải mặc áo bờ lu như ở phòng thí nghiệm vậy. Khách vào tham quan phải cởi giày dép để ngoài, đi tất nilon đã diệt trùng, đi nhẹ nói khẽ, ông nào lỡ ho một tiếng ai nấy nhìn ông này như nhìn kẻ quê mùa mọi rị. Người phụ trách phòng vi tính xuỵt khẽ, nói vào đây cấm không được ho, virus nhập vào máy thì khốn. Nó cười khoái chí, nói từ khi rời phòng vi tính, tự nhiên thấy mình sang trọng hẳn lên, tâm trạng giống như mình vừa đi Liên Xô về vậy.
Hi hi, thời đó vậy đấy. Có nơi không gọi là máy vi tính, gọi thế quê mùa chết, người ta gọi là computer, cái biển đề: Phòng computer, không phận sự miễn vào! Có người còn kể, ở một cơ quan, ông giám đốc cấm toàn bộ nhân viên nam không được để râu, vào phòng máy vì sợ... “vi rút”. Chả ai biết virus là con gì, chỉ biết nó là kẻ thù của máy vi tính. Có người còn bảo người sử dụng vi tính nếu không cẩn thận cũng sẽ nhiễm virus. Virus vi tính cũng nguy hiểm như virus ung thư. Kinh! He he.
Hình như các nhà văn ở Hà Nội, Bảo Ninh có máy vi tính sớm nhất, từ năm 1994 Bảo Ninh đã viết văn bằng máy vi tính.
Sau đó là Trần Đăng Khoa, ông này rất thích chơi máy vi tính và mobile, cứ đời mới nhất là ông xài, tốn kém bất chấp. Hồi đó mình ngưỡng mộ hai lão này lắm.
Thế mới gọi nhà văn chứ, đâu phải quê mùa như mình, đến năm 1996 vẫn viết văn bằng bút mực, bút bi, viết đau cả tay, có cục sẹo rất dày ở ngón tay trỏ.
Một hôm mình đến nhà Bảo Ninh, thấy hắn đang ngồi trước máy vi tính, một tay cầm điếu thuốc Camel, tay kia cầm chén rượu Red Label, mắt lim dim. Trời đất sao mà sang trọng thế, hi hi. Mình xin nó thử xem cái máy vi tính, nể lắm nó mới miễn cưỡng nhường chỗ, nói ông chỉ rê con chuột thôi nhé, cấm đụng vào bất kỳ cái gì trên bàn phím. Mình nói rồi, ông yên tâm. Nhưng chỉ cần nó quay lưng là mình bấm loạn cả lên, hết thử cái này sang thử cái khác. Bỗng máy bị treo, cứ đơ ra, rê chuột không được, bấm cái gì cũng không được. Mình loay hoay toát cả mồ hôi hột vẫn không làm sao được, thế cùng phải gọi Bảo Ninh. Nó chạy tới nhìn máy nhíu mày, nói chết mẹ, virus rồi! Nghe nói virus mình giật bắn, sợ run. Hồi đó sao mà sợ virus thế không biết, đúng là đồ nhà quê, hi hi.
Ông bạn blogger kể chuyện virus vi tính nhà ông, nói tôi có ông em, ngoài ba mươi tuổi chứ chẳng nhỏ dại gì đâu. Hồi mới tập tọe vi tính, nghe người ta nói vi rút vi reo, mở trang word ra thấy một thằng đạp cái xe đạp lượn vòng rồi giương mắt nhìn. Cu cậu xúc động quá, kêu toáng lên: "Anh ơi, con virus nó lườm em!".
Nguồn đọc thêm:
http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=352532#ixzz1oVrVcmuR
http://www.xaluan.com/
Bài viết liên quan