Máy thủy lực cánh dẫn: Ghép bơm li tâm thủy lực vào hệ thống

Ghép bơm li tâm thủy lực vào hệ thống.

9. Ghép bơm li tâm thủy lực vào hệ thống

Trong khai thác đôi khi ta phải sử dụng nhiều bơm làm việc trong một hệ thống, cho nên ta cũng cần phải nghiên cứu về sự làm việc của hệ thống khi có nhiều bơm làm việc đồng thời. Các bơm có thể làm việc song song hoặc nối tiếp với nhau, phần dưới nghiên cứu cho các trường hợp cụ thể.

a.Ghép hai bơm làm việc song song

Khi hệ thống đòi hỏi lưu lượng mà một bơm không đảm bảo, thì có thể ghép hai hay nhiều bơm giống nhau hay khác nhau làm việc song song.

Để hai bơm có thể ghép song song trong hệ thống thì từng bơm một phải làm việc được với hệ thống đó, tức là cột áp của từng bơm phải cao hơn cột áp của đường ống khi chúng ghép vào làm việc.

Giả sử có hai bơm I và II với đường đặc tính HB=f(Q) giống nhau mắc song song vào một hệ thống đường ống có đặc tính là Hđ/ống=f(Q) (Hình 2.12):

may-thuy-luc-canh-dan-20

 

Khi chỉ có một bơm làm việc thì điểm làm việc là điểm A với lưu lượng là QA và  cột áp là HA.

Đặc tính làm việc của hai bơm cùng làm việc song song trong hệ thống là đường cong H nhận được bằng phương pháp cộng lưu lượng của các bơm này ở cùng một tung độ cột áp. Ví dụ: B1B2 + BB1= BB2 (Hình 2.11).

Điểm làm việc của hai bơm khi làm việc ssong song trong hệ thống là điểm A' với lưu lượng là QA'. và cột áp là HA'.

Từ đồ thị ta thấy tổng lưu lượng của các bơm cùng làm việc song song trong hệ thống nhỏ hơn tổng lưu lượng từng bơm làm việc riêng trong hệ thống cộng lại.

      QA' < 2QA;

Điều này giải thích là do sự phụ thuộc giữa tốc độ chất lỏng trong ống dẫn và lưu lượng là bậc nhất, còn giữa tốc độ và cột áp là đường cong bậc hai.

Đặc tính đường ống càng cong thì lưu lượng do hai bơm ghép song song cung cấp cho hệ thống đó càng giảm.

Những bơm đặc tính ít cong khi ghép song song có lợi về lưu lượng, bởi vậy khi muốn lợi dụng về lưu lượng nên chọn các bơm có đặc tính thoải.

 Trường hợp hai bơm có đặc tính khác nhau ghép song song trong hệ thống (Hình 2.13).

may-thuy-luc-canh-dan-21

Giả thiết các bơm ly tâm I và II có đặc tính tương ứng HI và HII. Nếu chúng làm việc riêng trong hệ thống ống có đặc tính Hđ/ống thì điểm làm việc tương ứng với từng bơm là điểm A1 và A2, lưu lượng của từng bơm lần lượt là QA1 , QA2 và cột áp là HA1 , HA2.

Khi chúng làm việc song song thì đặc tính chung của hai bơm là H =f(Q), cắt đặc tính đường ống tại A với lưu lượng là QA < QA1 + QA2   và cột áp là HA. Đường  H =f(Q)  nhận được bằng phương pháp cộng đồ thị với Q =QBI+QBII và H =HBI=HBII (Hình 2.12)

Nếu đặc tính ống dẫn thay đổi theo chiều khó khăn hơn cho đến khi điểm A tiến tới điểm B thì việc đưa bơm I vào làm việc trong hệ thống là vô ích vì tổn thất cột áp trong ống dẫn lớn hơn cột áp của bơm này tạo ra, một phần chất lỏng của bơm II được dẫn vào trong ống của bơm I sẽ sinh ra va đập thuỷ lực trong đó và giảm sự cung cấp chất lỏng đến nơi cần dùng.

b. Ghép bơm nối tiếp

Khi khai thác bơm nếu cần cột áp lớn mà một bơm không thể đáp ứng được thì người ta có thể ghép hai hay nhiều bơm nối tiếp với nhau cùng hoạt động trong hệ thống (Hình 2.14).

may-thuy-luc-canh-dan-22

Điều kiện để các bơm ghép nối tiếp có thể làm việc được là chúng phải cùng loại bơm và lưu lượng của chúng phải tương đương nhau.

Nếu ta ghép bơm I có đặc tính HB1=f(Q) nối tiếp với bơm II có đặc tính HB2=f(Q) cùng cấp chất lỏng cho hệ thống có đặc tính Hđ/ống=f(Q), thì đặc tính tổng của hai bơm là H =f(Q) nhận được bằng phương pháp cộng đồ thị với HB1,2= HB1+ HB2 và QB1,2= QB1= QB2  (Hình 2.13).

Từ đồ thị (Hình 2.14) thấy rằng khi hai bơm ghép nối tiếp thì cột áp tổng tăng lên và lưu lượng cũng tăng lên, do khi hai bơm ghép nối tiếp vào hệ thống thì cột áp của mỗi bơm sẽ nhỏ hơn cột áp của từng bơm khi làm việc độc lập, và như vậy lưu lượng của chúng sẽ tăng lên.

 

Cập nhật lần cuối: 5/22/2017 4:38:08 PM
muc bvlq

Bài viết liên quan